Triển khai Làm mát bằng nguồn nước sâu

Tại đảo Bora Bora, khu nghỉ dưỡng InterContinental và Thalasso-Spa sử dụng các hệ thống điều hòa không khí nước biển trong các tòa nhà của các khu này.[19] Các hệ thống này bơm nước biển mát qua các bộ trao đổi nhiệt, để làm mát nước ngọt theo kiến trúc tuần hoàn mở. Nước ngọt mát này được bơm qua các tòa nhà để làm mát trực tiếp (không có biển đổi nhiệt năng sang điện năng và ngược lại). Hệ thống tại InterContinental được coi là hệ thống điều hòa không khí nước biển lớn nhất thế giới, cho đến năm 2011.[20] Nước biển sâu sau khi dùng cho làm mát được tiếp tục cung cấp như nguồn nước khoáng cho dịch vụ spa nước sâu tại khu nghỉ dưỡng này.[21]

Các đường ống dẫn nước biển của hệ thống khách sạn The Excelsior tại Hồng Kông.

Tại Hồng Kông, hệ thống làm mát nước đại dương cũng được lắp đặt tại khách sạn The Excelsior[22] và tại Trụ sở HSBC. Các hệ thống này theo kiến trúc tuần hoàn kín.[21]

Tại Hoa Kỳ, Đại học Cornell sử dụng hồ Cayuga là nguồn hấp thụ nhiệt cho hệ thống nước mát trung tâm, để làm mát cho các tòa nhà trong khuôn viên của trường, và cho Học khu Thành phố Ithaca.[16][17] Hệ thống bắt đầu vận hành từ mùa hè năm 2000 và được xây với chi phí 55 đến 60 triệu đô la Mỹ. Công suất làm mát là 51 MW. Đường ống hút nước dài 3'200 m, với đường kính 1'600 mm, nằm ở độ sâu 76 m, tiếp nhận nước ở nhiệt độ 3 đến 5 độ C. Đường ống nước thải dài 780m, đường kính 1'200 mm. Các ống này là loại ống Sclairpipe, làm từ nhựa HDPE. Hiệu quả ước lượng là giảm khoảng 80% tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch so với hệ thống làm mát thông thường. Ở Hawaii, hệ thống điều hòa không khí nước biển cũng được sử dụng ở Phòng thí nghiệm Năng lượng Tự nhiên Hawaii.[23] Hệ thống Điều hòa Không khí Nước biển Honolulu là một dư án làm mát cho vùng trung tâm Honolulu.[24] Dự án này được sở hữu phần lớn bởi Ulupono Initiative của Pierre Omidyar, một sáng lập viên của eBay.[25]

Tại Canada, từ tháng 8 năm 2004, một hệ thống làm mát hồ nước sâu được Công ty Năng lượng Enwave vận hành tại Toronto, Ontario.[18] Nó lấy nước từ hồ Ontario qua đường ống dài 5 kilômét (3,1 dặm), đạt độ sâu 83 mét (272 ft). Nó là một phần của mạng lưới làm mát công cộng phục vụ cho quận tài chính của Toronto, với công suất làm mát 207 MW. Nó đủ khả năng để làm mát cho khoảng 3,2 triệu mét vuông diện tích văn phòng.[26]. Nước thải của hệ thống này không được dẫn trực tiếp trở lại hồ, do đó không gây ô nhiễm hồ với lượng nhiệt thải. Ở Halifax, Nova Scotia, hai hệ thống điều hoà nước sâu phục vụ tổng cộng hơn 1 triệu mét vuông văn phòng, giúp tiết kiệm mỗi năm khoảng 400 nghìn đô la so với điều hoà thông thường.[21]

Tại Úc, hệ thống điều hòa không khí nước biển được dùng ở Circular Quay và các tòa nhà lớn ở cảng Sydney từ những năm 1960, như tại tòa nhà AMP 'Palm Cove' (xây năm 1962) và Nhà hát Opera Sydney.[27][28]

Tại Hà Lan, công ty Nuon đang vận hành hai hệ thống điều hoà nước hồ ở Amsterdam.[21]

Thụy Điển, một hệ thống làm mát nước biển cỡ lớn, có khả năng dự trữ nước lạnh vào ban đêm, khi nhu cầu làm mát giảm, đã đi vào hoạt động tại Stockholm từ năm 1995.[21] Nước biển lạnh từ đáy biển Baltic được dự trữ trong hang đá ngầm có dung tích 50 nghìn mét khối, cung cấp công suất làm lạnh 80 kW, cắt giảm 5000 tấn khí thải cacbon điôxít hàng năm.[29] Ngoài ra, Thụy Điển có các trung tâm dữ liệu được làm mát bằng nước biển, giúp tiết kiệm 1 triệu đô la Mỹ chi phí vận hành mỗi năm.[30]

Tại Phần Lan, cũng có những trung tâm dữ liệu được làm mát bằng nguồn nước biển, như trung tâm dữ liệu của Google tại Hamina từ 2011.[31]

Nước biển sâu cũng có thể được dùng để làm mát vùng sản xuất nông nghiệp, theo kỹ thuật nông nghiệp lạnh.[32][33][34]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Làm mát bằng nguồn nước sâu http://www.deprofundis.com http://www.energinat.com/dow_cold.shtml http://www.enwave.com/enwave/view.asp?/about/histo... http://www.enwave.com/enwave/view.asp?/dlwc/benefi... http://www.hawaiinewsnow.com/story/23053163/1m-loc... http://otecokinawa.com/en/Tours/IOES.html http://otecorporation.com/technology/swac-plants-a... http://energyandsustainability.fs.cornell.edu/util... http://hyperphysics.phy-astr.gsu.edu/hbase/chemica... http://www.energy.rochester.edu/idea/cooling/1995/...